Dự án phát triển xã hội là gì? Một dự án phát triển có thể tạo ra thay đổi cho xã hội như thế nào?
Nếu coi mục tiêu lớn về phát triển xã hội là một hành trình vạn dặm, mỗi dự án sẽ giống như cột mốc đánh dấu những hoạt động can thiệp của các bên liên quan nhằm đóng góp vào sự tiến lên trên con đường đó.
Do vậy, việc nắm rõ bản chất và hiểu được vai trò của dự án phát triển xã hội là vô cùng cần thiết.
Tổng quan về dự án phát triển xã hội
Vậy thế nào là một dự án phát triển xã hội?
Dự án phát triển xã hội là những sáng kiến ra đời nhằm cải thiện tình trạng xã hội thông qua việc xác định vấn đề hiện thời và cải thiện chúng bằng các giải pháp đổi mới sáng tạo.
Sự phát triển xã hội đạt được nhờ nâng cao nhận thức và khuyến khích thay đổi hành vi. Dự án xã hội có thể hoạt động trong đa dạng lĩnh vực từ y tế, sức khỏe, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, đến môi trường, quyền con người …
Tuy nhiên, không phải dự án nào hướng đến lợi ích cộng đồng cũng được coi là một dự án phát triển xã hội. Trên thực tế, một dự án xã hội cần được đánh giá dựa trên một số tiêu chí nhất định như sau:
Tiêu chí đánh giá dự án phát triển xã hội
Tính thiết thực (Relevance)
Tiêu chí thiết thực cần trả lời được câu hỏi: Liệu hoạt động của dự án có đang đi đúng hướng?
Điều này có nghĩa rằng, mục tiêu và phương pháp can thiệp của dự án cần bám sát theo theo nhu cầu của người hưởng lợi cũng như các các bên liên quan, đồng thời phù hợp với bối cảnh văn hóa xã hội tại địa bàn hoạt động.
Ví dụ: Một dự án xã hội nhằm cải thiện sức khỏe sinh sản cho thai phụ trong cộng đồng thu nhập thấp sẽ đạt yêu cầu về tính thiết thực khi:
Đặt mục tiêu giải quyết vấn đề về tỷ lệ tử vong của cả mẹ và thai nhi cao do thiếu hụt dinh dưỡng và cơ sở vật chất phục vụ sinh nở.
Đặt mục tiêu cung cấp các dịch vụ chăm sóc thiết yếu trước và sau khi sinh, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với chính sách và quy định hiện hành của nước sở tại.
Ngoài ra, tính thiết thực cũng có thể được đánh giá dựa trên khung tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ như Bộ 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) do UN đề xuất.
Tính hiệu quả (Effectiveness)
Tiêu chí này đánh giá mức độ mà một dự án đạt được các kết quả và kỳ vọng dự kiến ban đầu. Cụ thể, đối với từng nhóm đối tượng mục tiêu, cần chỉ rõ hoạt động của dự án đã để lại tác động lên họ như thế nào, hoặc chưa đạt được ảnh hưởng mong muốn ra sao.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính toàn diện, khi xét đến mức độ ảnh hưởng, cần giữ được sự cân bằng giữa các nhóm hưởng lợi - không phân biệt là cá nhân hay tổ chức.
Ví dụ: Trong một dự án xã hội nâng cao cơ hội học tập cho trẻ em trong cộng đồng yếu thế, tiêu chí hiệu quả được thể hiện ở:
Tỉ lệ nhập học tăng ở nhóm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Cải thiện trong thành tích và kết quả học tập, được đo lường bằng các bài kiểm tra hoặc đánh giá tiêu chuẩn hóa.
Tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên giáo dục có chất lượng, bao gồm sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy và công nghệ. (cho cả học sinh và cán bộ công nhân viên tại cơ sở giáo dục)
Tính ảnh hưởng (Impact)
Trong số các tiêu chí, tính ảnh hưởng có thể coi là khó nắm bắt và đo lường nhất. Tiêu chí này đánh giá mức độ mà một dự án đóng góp vào các mục tiêu lớn và có tính bao trùm hơn kết quả và tác động tức thời mà nó đặt ra.
Ví dụ: Một dự án với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận giáp dục cho trẻ em dân tộc thiểu số được coi là có ảnh hưởng tích cực nếu sự tiếp cận này đồng thời giúp xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế (do giáo dục mang lại nhiều cơ hội việc làm tốt hơn trong tương lai)
Tính bền vững (Sustainability)
Tiêu chí này xét đến khả năng duy trì ảnh hưởng và kiến tạo các tác động có tính lâu bền của dự án. Liệu rằng, kết quả của dự án có còn được duy trì trong thời gian dài sau khi dự án đã kết thúc hay không?
Ngoài ra, sự bền vững cũng cần được tích hợp ngay cả trong giai đoạn thực thi, nhằm đảm bảo rằng các can thiệp của dự án sẽ không gây ra vấn đề mới ngoài các vấn đề sẵn có.
Ví dụ: Một dự án mong muốn thúc đẩy thực hành nông nghiệp bền vững nếu nó khuyến khích sử dụng các phương thức canh tác thân thiện với môi trường, đồng thời trau dồi năng lực và kiến thức, kỹ năng cho người nông dân, tạo môi trường để họ chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Nhờ đó, ảnh hưởng tích cực của dự án được tiếp nối trong tương lai.
Vậy khi đáp ứng được các tiêu chí đánh giá trên, dự án phát triển xã hội có thể mang lại những giá trị tốt đẹp lên cộng đồng như thế nào?
Vai trò của dự án xã hội
Nâng cao nhận thức
Nhìn chung, các dự án xã hội thường tập trung vào một loạt các khía cạnh nổi cộm như đói nghèo, giáo dục, y tế, bình đẳng giới, môi trường, … với mục tiêu xác định được nguyên nhân cốt lõi, từ đó cho ra những giải pháp giá trị và thiết thực nhất để giải quyết vấn đề.
Dự án có thể lồng ghép các vấn đề kể trên qua nhiều phương thức khác nhau, tùy theo mục tiêu và nguồn lực của từng dự án. Ví dụ, cung cấp tài nguyên về giáo dục và kiến thức miễn phí, tổ chức các chương trình tập huấn hay triển khai chiến dịch truyền thông, … Nhờ đó, những vấn đề xã hội này được hiện diện trực quan và dễ tiếp cận với cho đại đa số người dân.
Việc tăng cường nhận thức cho cộng đồng chính là bước đệm dẫn tới mục tiêu xa hơn là thay đổi hành vi. Từ sự thay đổi của một cá nhân phát triển thành sự thay đổi của cả cộng đồng, dần dần đẩy lùi và khắc phục các vấn đề xã hội còn tồn đọng.
Ví dụ: The Plastic Bag là một dự án nghệ thuật sắp đặt với mục tiêu nâng cao nhận thức về tác động của rác thải nhựa đến môi trường sống. Dự án thu thập các túi nhựa đã qua sử dụng và biến chúng thành một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt thu hút nhằm cho người xem thấy được khối lượng khổng lồ nhựa thải ra môi trường, cũng như hiểm họa khôn lường chúng để lại.
Kêu gọi nỗ lực chung
Vai trò quan trọng thứ hai của các dự án xã hội đó là góp phần kêu gọi và tổng hợp nỗ lực chung của các bên liên quan, nhằm giải quyết các vấn đang diễn ra.
Vì một vấn đề xã hội có tính liên đới cũng như để lại ảnh hưởng lên đa dạng chủ thể, do đó, trong một dự án phát triển, sự tham gia và đóng góp của nhiều bên là điều tất yếu.
Dự án xã hội sẽ giúp mang lại môi trường thuận lợi cho sự hợp tác, đồng thời thúc đẩy hợp tác thông qua gặp mặt giữa các đại diện, tạo ra cơ hội đối thoại, chia sẻ thông tin và nguồn lực.
Trong mối liên hệ hợp tác với chính phủ hoặc các tổ chức khu vực tư nhân, dự án xã hội còn có khả năng huy động, phân bổ và tối ưu hóa nguồn lực dành cho nỗ lực chung, bao gồm nguồn lực lực tài chính, chuyên môn kỹ thuật, nguồn lực về con người.
Ví dụ: Dự án The Community Kitchecn là một sáng kiến phát triển xã hội nhằm thúc đẩy an ninh lương thực và xây dựng cộng đồng. Dự án thành lập các bếp ăn cộng đồng ở các khu dân cư có thu nhập thấp, phát bữa ăn miễn phí cũng như kết hợp với chính quyền địa phương, tổ chức lớp học về dinh dưỡng, nấu ăn dành cho đối tượng khó tiếp cận với kiến thức này.
Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong sáng kiến thay đổi xã hội
Sự tham gia của chính người dân trong cộng đồng là một phần không thể thiếu làm nên nỗ lực chung giúp khắc phục vấn đề xã hội. Rất nhiều dự án xã hội có trọng tâm là cung cấp kiến thức, kỹ năng đến hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích các sáng kiến thay đổi xã hội của cộng đồng.
Bằng cách tạo ra một môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, các dự án phát triển xã hội giúp các cá nhân chủ động đề xuất giải pháp cho các thách thức kinh tế và xã hội mà cộng đồng họ đang phải đối mặt, từ đó lan tỏa thay đổi tích cực .
Ví dụ: The Social Innovation Fund là một sáng kiến của chính phủ Hoa Kỳ nhằm cung cấp tài chính và hỗ trợ cho các dự án phát triển xã hội của công dân. Quỹ cung cấp vốn cho nhiều dự án thuộc đa dạng lĩnh vực, bao gồm giáo dục, phát triển lực lượng lao động và phát triển cộng đồng.
Tạo bàn đạp thay đổi chính sách
Khi 3 vai trò kể trên phát huy được ảnh hưởng, dự án xã hội còn có thể tác động lên sự thay đổi về chính sách, nhờ vào nền tảng là nhận thức tăng cường từ phía người dân, sự chung tay của tổ chức công cũng như nguồn giải pháp thiết thực sẵn sàng triển khai trong thực tiễn.
Mặt khác, các dự án phát triển xã hội thường tiến hành nghiên cứu, thu thập dữ liệu và khảo sát nhằm thấu hiểu và tìm ra được nguyên nhân nền tảng của vấn đề. Đây cũng là một trong số mục tiêu quan trọng của một dự án xã hội.
Chính những kết quả này, khi đó, có thể trở thành nền tảng cơ sở về lý thuyết hoặc nguồn tham khảo hữu ích cho các thay đổi về chính sách trong tương lai.
Phân loại các dự án xã hội
Nhìn chung, một dự án phát triển xã hội có thể được phân loại dựa vào một số khía cạnh khác nhau từ mục đích cho tới đối tượng hưởng lợi hay đặc điểm nhân khẩu học, cụ thể:
Dựa trên mục tiêu:
Các dự án xóa đói giảm nghèo
Các dự án giáo dục và phát triển kỹ năng
Dự án sức khỏe và dinh dưỡng
Các dự án bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ
Dự án phát triển bền vững vì môi trường
Dự án quản lý thiên tai và phục hồi tài nguyên thiên nhiên
Phát triển cộng đồng
Đối tượng hưởng lợi:
Dự án trẻ em và thanh thiếu niên
Dự án dành cho phụ nữ và trẻ em gái
Dự án cho người cao tuổi
Các dự án dành cho người khuyết tật
Các dự án dành cho cộng đồng bản địa
Các dự án dành cho người tị nạn và dân di cư
Các dự án dành cho các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương
Dự án phúc lợi động vật
Dựa trên khu vực địa lý:
Dự án phát triển nông thôn
Dự án phát triển đô thị
Các dự án dựa vào cộng đồng khu vực hoặc địa phương
Các dự án nhắm mục tiêu đến các khu vực hoặc quốc gia
Dựa trên lĩnh vực cụ thể:
Các dự án phát triển kinh tế
Các dự án giáo dục và phát triển kỹ năng
Dự án sức khỏe và an toàn vệ sinh
Dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn
Dự án phát triển nhà ở và cơ sở hạ tầng
Dự án nhân quyền và công bằng xã hội
Các dự án tăng cường quản trị và thể chế
Dự án công nghệ và đổi mới sáng tạo
Các dự án xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột
Các dự án thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu
Các dự án giảm thiểu rủi ro thiên tai
Dự án lồng ghép giới
Dự án sinh kế bền vững
Dự án bảo tồn di sản văn hóa
Các ví dụ về tiêu chí phân loại kể trên giúp tạo ra một khuôn khổ để ta hiểu hơn về các dự án phát triển xã hội dựa vào trọng tâm của nó, đối tượng thụ hưởng, phạm vi địa lý cũng như cách tiếp cận theo ngành cụ thể.
Cần lưu ý rằng một dự án xã hội không nhất thiết phải nằm trong số từng hạng mục riêng lẻ mà có thể là sự kết hợp của nhiều phân loại khác nhau.
Ví dụ một số dự án phát triển xã hội
Tại Việt Nam
PLAN International
[giới thiệu sơ lược] Plan International là tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực Quyền Trẻ em. Tại Việt Nam, Plan International bắt đầu hoạt động từ năm 1993. Mục đích chính của Plan International Việt Nam trong khuôn khổ Chiến lược chương trình Quốc gia 2020-2025 là “tạo điều kiện cho trẻ em gái Việt Nam trở thành tác nhân tích cực của sự thay đổi trong việc thực hiện các quyền của mình”.
Dự án: “Trường học An toàn, Thân thiện và Bình đẳng”
Mục tiêu: Tập trung can thiệp nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các em trong phòng tránh và xử lý khi đối diện với bạo lực giới, đồng thời nâng cao năng lực cho Ban giám hiệu và cán bộ giáo viên trong trường để tạo một môi trường thuận lợi cho việc hình thành và duy trì thái độ bình đẳng giới giữa các học sinh.
Phân loại:
Đối tượng hưởng lợi: Trẻ em và thanh thiếu niên (đặc biệt là trẻ em gái)
Khu vực địa lý: Dự án nhắm tới mục tiêu quốc gia (Chương trình chiến lược quốc gia giai đoạn 2020 - 2025)
Lĩnh vực hoạt động: Dự án giáo dục lồng ghép vấn đề giới
GRET
[giới thiệu sơ lược] GRET là một tổ chức phi chính phủ của Pháp. GRET đã có mặt tại hơn 30 quốc gia trên thế giới. GRET hoạt động tại Việt Nam từ năm 1988 trong 4 lĩnh vực chính: nông nghiệp; quyền công dân; nước sạch, vệ sinh và chất thải; quản lý tài nguyên thiên nhiên và năng lượng.
Dự án: “Tăng cường và phát triển năng lực hành động cho phụ nữ dân tộc thiểu số nhằm quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trong khu bảo tồn thiên nhiên”
Mục tiêu: Góp phần phát triển các mô hình kinh tế và sinh kế thích nghi do phụ nữ làm chủ nhằm quản lý và bảo tồn rừng ở vùng lõi và vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên (KBT) Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa.
Phân loại:
Đối tượng hưởng lợi: Dự án dành cho nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương (phụ nữ DTTS)
Khu vực địa lý: Dự án dựa vào cộng đồng phụ nữ DTTS tại Pù Luông - Thanh Hóa
Lĩnh vực hoạt động: Dự án phát triển kinh tế bền vững kết hợp với thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu
Trên thế giới
UN Women
[giới thiệu sơ lược] UN Women là tổ chức của LHQ cung cấp các chương trình, chính sách và tiêu chuẩn nhằm nâng cao quyền con người của phụ nữ và đảm bảo rằng mọi phụ nữ và trẻ em gái đều được phát huy hết khả năng của mình.
Dự án: UNITE to End Violence against Women
Mục tiêu: Kêu gọi các chính phủ, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức phụ nữ, thanh niên, tổ chức tư nhân cùng đơn vị truyền thông và hệ thống của UN hợp lực để giải quyết đại dịch toàn cầu về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Phân loại:
Đối tượng hưởng lợi: Dự án dành cho phụ nữ và trẻ em gái
Lĩnh vực hoạt động: Dự án nhân quyền và công bằng xã hội
Oxfam
[giới thiệu sơ lược] Oxfam là một liên minh toàn cầu gồm 20 tổ chức hoạt động cùng nhau tại hơn 90 quốc gia, trong lĩnh vực phát triển. Oxfam huy động sức mạnh và tiếng nói của người dân nhằm chống lại nghèo đói, bất bình đẳng và bất công.
Dự án: Behind the Brands
Mục tiêu: Khuếch đại đại tiếng nói của các bên liên quan như nông dân, cộng đồng, người tiêu dùng và các nhà đầu tư nhằm kêu gọi hành động đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống sản xuất thực phẩm bền vững.
Phân loại:
Mục tiêu: Dự án phát triển kinh tế bền vững vì môi trường
Linh vực hoạt động: Dự án phát triển nông nghiệp bền vững kiết hợp ứng phó với biến đổi khí hậu
Vừa rồi là một số thông tin cơ bản có thể bạn cần biết về một dự án phát triển xã hội. Nếu đang quan tâm đến lĩnh vực phát triển nói chung và các vấn đề xã hội nói riêng, đừng quên theo dõi chuyên mục “Thăng viết” để tìm hiểu thêm thông tin giá khác nhé!
Comments